trợ thủ sửa chữa hiện đại

7.00AM - 9.00PM (24/7 ca khẩn cấp)

CB là gì? Có những những loại cầu dao tự động nào?

chuyên gia

Duong Lam

Cập nhật lần cuối:

TÓM TẮT

Hầu hết trong gia đình chúng ta đều có thiết bị ngăn ngừa quá tải, giật điện hay rò điện mà chúng ta đã nghe qua như CB hay Aptomat. CB là kí tự viết tắt của “Circuit Breaker” trong tiếng Anh và trở thành tên gọi quy ước cho các loại cầu dao tự ...

Hầu hết trong gia đình chúng ta đều có thiết bị ngăn ngừa quá tải, giật điện hay rò điện mà chúng ta đã nghe qua như CB hay Aptomat. CB là kí tự viết tắt của “Circuit Breaker” trong tiếng Anh và trở thành tên gọi quy ước cho các loại cầu dao tự động. Ngoài ra, Aptomat cũng có nghĩa là cầu dao tự động nhưng có nguồn gốc từ tiếng Nga. Hãy cùng Antshome tìm hiểu về thiết bị thông dụng này nhé!

CB là gì? Aptomat là gì?

CB hay Aptomat là thiết bị bảo vệ mạch điện khi xảy ra sự cố. Chức năng của nó là ngắt dòng điện có cường độ cao hơn mức quy định trong hệ thống điện, thường gây ra bởi vấn đề quá tải, ngắn mạch, sụt áp, v.v. Không những thế, CB còn thuận tiện trong việc đóng mở mạch điện bằng tay trong trường hợp chúng ta cần sửa chữa đường dây điện.

CB là gì?
CB là gì?

Cấu tạo CB như thế nào?

Mặc dù CB cho các loại điện áp thấp và trung áp có thiết kế riêng biệt cho loại cường độ dòng điện và điện áp đó, nhưng hầu hết các loại CB đều có 5 thành phần chính là:

  • Khung: Bảo vệ các bộ phận bên trong khỏi tác động bên ngoài.
  • Cơ cấu truyền động cắt CB: Là phương thức đóng mở cầu dao.
  • Tiếp điểm: Cho phép dòng điện chạy qua cầu dao khi đóng.
  • Buồng dập hồ quang: Dập hồ quang khi ngắt mạch điện do sự cố.
  • Móc bảo vệ: bảo vệ thiết bị điện không bị quá tải hay ngắn mạch.
Cấu tạo CB như thế nào?
Cấu tạo CB như thế nào?

1. Khung

Bộ khung được thiết kế mang lại độ bền cần thiết để bảo vệ các bộ phần bên trong khỏi tác động bên ngoài và quá trình ngắt mạch. Khung có khả năng cách điện nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng, tránh giật điện hoặc rò điện ra bên ngoài. Vì vậy, vỏ của bộ khung thường là kim loại hoặc các chất liệu cách nhiệt khác.

2. Cơ cấu truyền động cắt CB

Có hai loại cơ cấu truyền động cắt bao gồm cắt bằng tay hoặc cắt bằng cơ điện

  • Cắt bằng tay dành cho dòng điện nhỏ hơn 600A
  • Cắt bằng cơ điện dành cho dòng điện lớn lên đến 1000A

3. Tiếp điểm

CB thường có hai cấp tiếp điểm là tiếp điểm chính là tiếp điểm hồ quang, hoặc ba cấp tiếp điểm bao gồm tiếp điểm chính, tiếp điểm phụ và tiếp điểm hồ quang. Khi đóng mạch, tiếp điểm hồ quang đóng trước rồi lần lượt điểm tiếp phụ đến tiếp điểm chính. Còn khi ngắt mạch, tiếp điểm chính mở đến tiếp điểm phụ và cuối cùng là tiếp điểm hồ quang.

Tiếp điểm được thiết để để đối phó với hai sự cố chính:

  • Quá tải dòng
  • Ngắn mạch

4. Buồng dập hồ quang

Hồ quang điện là hiện tượng phóng điện qua khe hở của hai tiếp điểm. Buồng dập hồ quang điện có nhiệm vụ dập hồ quang ngay lập tức khi các tiếp điểm được mở ra trong quá trình ngắt mạch. Buồng dập hồ quang được chia ra thành nhiều ngăn để chia nhỏ hồ quang giúp dập chúng nhanh hơn.

Có 2 loại buồng dập thông dụng:

  • Buồng dập kiểu hở: dùng để cắt dòng lớn hơn 50kA hoặc điện áp trên 1000V.
  • Buồng dập kiểu nửa kín: có các lỗ thoát khí, chỉ dùng cho dòng nhỏ hơn 50kA.

5. Móc bảo vệ

Móc bảo vệ tác động lên cơ cấu truyền động cắt CB khi xảy ra quá tải mạch hay ngắn mạch. Móc bảo vệ bao gồm:

  • Móc bảo vệ quá dòng: bảo vệ thiết bị điện khỏi quá tải và ngắn mạch
  • Móc kiểu điện từ: gồm cuộn dây được móc trực tiếp với mạch chính để chịu dòng tải. Trường hợp quá tải, móc sẽ dập vào khớp, mở ra các tiếp điểm
  • Móc kiểu rơle nhiệt: Khi dòng điện quá tải sẽ phát sinh ra nhiệt khiến cho tấm kiếm loại của rơle dãn nở và dập vào khớp, mở ra các tiếp điểm
  • Móc bảo vệ sụt áp: gồm cuộn dây có tiết diện nhỏ mắc song song với mạch chính để chịu điện áp nguồn và có cơ chế như móc kiểu điện từ

6. Nguyên lý hoạt động của CB

Ở trạng thái bình thường khi mạch điện đóng, các tiếp điểm được kết nối với nhau bởi các móc nối cho phép dòng điện chạy qua. CB có thể được mở hoặc đóng (ON/OFF) bằng công tắc để đảm bảo các hoạt động bảo trì đường dây điện diễn ra an toàn.

Trong trường hợp rò điện, các tiếp điểm được tách rời theo cơ chế. Lúc này, dòng điện vẫn có thể chạy qua được nhờ hồ quang sản sinh trong quá trình. Dòng điện chỉ được ngắt khi buồng dập hồ quang dập hồ quang hoàn toàn, nếu không sẽ gây cháy nổ cuộn dây và mạch điển khiển. Vì vậy, thời gian CB ngắt điện phù thuộc vào thời gian hồ quang được dập tắt.

Đọc thêm: Nên Chọn Cầu Chì Hay Cầu Dao Tự Động Cho Nhà Bạn?

Tìm hiểu các thông số trên CB (Aptomat)

Đọc và hiểu thông số kỹ thuật trên thiết bị điện như CB
Đọc và hiểu thông số kỹ thuật trên thiết bị điện như CB

Thông số kỹ thuật giúp người dùng hiểu biết về công suất và cách sử dụng của sản phẩm có phù hợp với nhu cầu của mình hay không. Thiết bị nào cũng sẽ được in thông số rõ ràng, đặc biệt là các thiết bị điện như Aptomat. 

Nếu không nắm được thông số, bạn sẽ gặp lúng túng khi sử dụng CB (Aptomat). HIểu và nắm rõ các thông số trên CB giúp bạn trả lời được nhiều câu hỏi như: 

  • Cách hoạt động của CB ra sao?
  • CB này có phù hợp với dòng điện chính của gia đình (hoặc nơi bạn cần sử dụng) hay không? 

Trên CB thường thấy có các ký hiệu: 

  • Ue
  • Ui
  • Ui mp
  • Ics 
  • Icu
  • In 
  • Icw

Các ký hiệu này đều chỉ thông số khác nhau có công dụng khác nhau. Hãy cùng Antshome tìm hiểu chi tiết ngay bây giờ nhé. 

1. Các thông số của CB

Ue là gì?

Đây là thông số điện áp làm việc định mức. Mỗi thiết bị hoạt động với công suất bao nhiêu Vôn đều sẽ được ghi rõ trên thân. Ngoài ra, bạn sẽ biết được công suất thiết bị khi làm việc bao nhiêu Vôn là đủ để tránh ảnh hưởng đến thiết bị khác. 

Ui là gì?

Đây là thông số hiệu điện thế. Thông số này cho biết chính xác thiết bị CB cần nguồn năng lượng điện gì? Đồng thời cho bạn biết điện áp cách điện định mức là bao nhiêu. 

Ui mp là gì?

Đây là thông số thể hiện điện áp chịu xung định mức (kV) mà CB cần sử dụng. Thông số này giúp người dùng tránh tình trạng lạm dụng khiến thay đổi điện áp chịu của CB. 

Ics là gì?

Đây là ký thể hiện dòng điện cắt tải trên thực tế. Đa số Ics thường có thông số lớn nhất là 50A. Có một số loại thiết bị hoạt động với công suất cao hơn một chút nhưng không đáng kể nên thông số này vẫn được giữ nguyên. 

Icu là gì?

Đây là thông số thể hiện khả năng chịu đựng được dòng của tiếp điểm. Khi xảy ra sự cố, bạn có thể biết được Icu và Ics hỗ trợ nhau tới 50% cho việc cắt tải điện giúp thiết bị điện và người sử dụng an toàn hơn. 

In là gì?

In là dòng định mức. Với các dòng định mức lớn của CB lớn sẽ thường sử dụng trong các máy biến áp điện lực có công suất tương ứng. Ví dụ: tràm 200kVA – 315A

Icw là gì?

Đây là thông số thể điện khả năng chịu dòng ngắn mạch của tiếp điểm. Ký hiệu này cho biết cách hoạt động của CB trong thời gian bao nhiêu giây (thường từ 1-3s). Thông qua ký hiệu này, bạn hoặc thợ điện có thể biết cách điều chỉnh khi sử dụng.

2. Các loại CB trên thị trường

CB chủ yếu được phân loại dựa trên mức điện áp quy định. Nếu có mức điện áp dưới 1000V thì được gọi là CB điện áp thấp, còn CB điệp áp cao là khi nó có thể chịu được mức điện áp trên 1000V. Các loại CB trên thị trường bao gồm:

  • ACB (Air Circuit Breaker): Máy cắt không khí
  • VCB (Vacuum Circuit Breaker): Máy cắt chân không
  • OCB (Oil Circuit Breaker): Mát ngắt mạch dầu
  • MCB (Miniature Circuit Breaker): Aptomat tép, dùng để ngắt mạch quá tải thấp, dưới 100A
  • MCCB (Moulded Case Circuit Breaker): Aptomat khối, dùng để ngắt mạch quá tải lớn, lên tới 80kA
  • RCCB (Residual Current Circuit Breaker): Aptomat chống giật, là loại có kích thước cỡ MCB 2P, 4P. Có chức năng ngăn ngừa cháy nổ – hỏa hoạn cho sự cố rò dòng trong hệ thống điện
  • RCBO( Residual Current Circuit Breaker with Over current Protection): là thiết bị chống dòng rò với kích cỡ MCB 2P nhưng có thêm khả năng bảo vệ quá dòng
  • ELCB (Earth Leakage Circuit Breaker): Là một thiết bị dùng để cắt nguồn điện nếu như phát hiện ra dòng điện rò rỉ xuống đất

3. Ứng dụng của CB trong thực tiễn

Mỗi loại CB sẽ được sử dụng vào những mục đích khác nhau

  • VCB có khả năng chịu được điện áp cao. Với đặc tính bền, không yêu cầu bảo trì cao, VCB rất phù hợp với nhưng hệ thống yêu cầu điện áp từ 11kV đến 33kV.
  • ACB được dùng để cắt điện tổng cho phía hạ áp của trạm biến áp với tải dòng lớn hơn 400A
  • MCCB được dùng với dòng hạ áp có thể cắt dòng lên đến 2400A
  • MCB là loại phổ biến cho gia đình chúng ta nhất vì thiết bị này được sử dụng cho các dòng tải thấp. 
  • RCCB, RCBO, ELCB dùng để bảo vệ chống dòng rò, đảm bảo an toàn cho người nhất.
Ứng dụng của CB trong thực tiễn
Ứng dụng của CB trong thực tiễn

4. Phân biệt CB và Contactor

CB và Contactor về cơ bản đều là thiết bị dùng để đóng ngắt, chuyển mạch dòng điện. Tuy nhiên, Contactor sử dụng mạch điều khiển, còn CB thì không. Cụ thể: 

Contactor  CB (Aptomat) 
Đóng mở nguồn điện cho các động cơ. Contactor có thể chịu được dòng lớn ở mạng hạ áp.  Cấp nguồn và bảo vệ quá tải điện, đoản mạch. CB đóng cắt mạch điện 1 pha hoặc 3 phe đều được. CB được chia ra nhiều chức năng như: MCB, MCCB, ROCB. 

Giải mã các quan niệm sai lầm về CB

Để hiểu đúng về một thứ gì đó, chúng ta cũng cần phải hiểu sai là như thế nào. Đây là một số khái niệm sai lệch Antshome thường thấy:

1. Cầu dao với cầu chì là một

Đối với ai không quen các thuật ngữ về kỹ thuật điện, có thể sẽ mắc sai lầm rằng cầu dao với cầu chì giống nhau. Tuy hai thiết bị chia sẻ một số ứng dụng tương đồng, cơ chế sử dụng hoàn toàn khác nhau.

Nếu để nói đơn giản, cầu chì chỉ dùng được một lần duy nhất, trong khi aptomat hay cầu dao có thể khởi động lại bình thường (trừ khi bị chập điện nặng gây cháy nổ).

2. Lắp CB thì sẽ không sợ giật điện

Mục đích lớn nhất của aptomat/CB không được tạo ra để chống giật điện. Đó là điều đầu tiên bạn cần phải hiểu. Theo Antshome, việc có quan niệm này rất dễ làm cho người tiêu dùng trở nên ỷ y và không tập làm quen với những thao tác an toàn đúng cách khi tiếp xúc thường ngày với các thiết bị điện hay sửa chữa lúc hư hỏng tại nhà. Suy nghĩ này sẽ khiến bạn dễ bị giật điện hơn đấy!

3. Lựa chọn hãng CB nào có quan trọng không?

Tại sao cần phải đầu tư mua CB từ các thương hiệu lớn, chính hãng? Khi nói đến an toàn của bạn và gia đình, không ai dám nói được về định giá của mạng sống. Mặc dù nghe có thể rất là ghê gớm, nhưng kỹ thuật viên chúng tôi nghĩ rằng, lợi ích của sự đầu tư để bảo vệ nên là ưu tiên hàng đầu. 

4. Tips từ chuyên gia

Việc chọn lựa mua từ các thương hiệu chính hãng giúp đảm bảo về chất lượng của sự bảo vệ đó, cho nó được cầu toàn nhất có thể. Ngoài ra, thông thường các đơn vị cung cấp sản xuất thiết bị có tiếng sẽ dành sự chăm sóc tốt hơn về các chính sách bảo hành uy tín (đề phòng những lỗi kỹ thuật hay hư hỏng) mà các thương hiệu rẻ tiền, “dỏm” không có được.

Như đã giải thích trên, chỉ vì chọn mua và lắp đặt “đại” một thiết bị cầu dao vào tình cờ vừa với hệ thống điện không đồng nghĩa với việc nó phù hợp. Đặc biệt, nếu hệ thống dàn tủ điện (circuit breaker panel) của bạn lúc mới xây nhà đã mua sẵn bộ của 1 hãng nào đó (Panasonic chẳng hạn) thì bạn càng cần phải tiếp tục mua và sử dụng CB của hãng đó để thay thế nếu có vấn đề. 

Hãy tìm hiểu kỹ đơn vị sản xuất tủ điện của mình trước khi mua CB thay thế để chọn đúng loại. Đây là lời khuyên chính thức đến từ các hãng. Khi lắp tủ điện lúc ban đầu, khả năng bạn sẽ được cho một bảng hướng dẫn sử dụng (manual/instructions) với những thông số kỹ thuật và phụ kiện độc quyền cần thiết.

Cách chọn CB khi sử dụng trong gia đình

Bạn có thể tham khảo bảng thông số cơ bản cho gia đình của CB hiện nay:

Bảng chọn CB 1 cực
(Bảng chọn CB 1 cực)
Bảng chọn CB 2 cực
(Bảng chọn CB 2 cực)
Bảng chọn CB 3 cực
(Bảng chọn CB 3 cực)

Nên mua các loại aptomat nào? Các hãng cung cấp CB tin dùng

Sau nhiều thời gian nghiên cứu và áp dụng lắp đặt cho hơn hàng nghìn khách hàng từ cá nhân hộ gia đình đến các công trình resort, khách sạn lớn và những toà nhà, chung cư, Antshome tự tin sử dụng các hãng thiết bị cầu dao này và đã tổng hợp tất cả thông tin bạn cần biết về họ để tiết kiệm thời gian cho bạn.

1. Schneider

Ở Việt Nam, nếu nhắc đến CB thì chắc chắn phải có tên Schneider. Thương hiệu Schneider (Schneider Electric) là một nhà lãnh đạo đến từ Châu Âu (Pháp) trong lĩnh vực đồ điện, linh kiện điện tử hoạt động hơn 180 năm.

Giống như xe hơi, các thương hiệu đến từ Châu Âu luôn được đón nhận rất nhiều vì độ bền bỉ, chất lượng cao, cũng như các chi tiết kỹ thuật chi tiết, tinh vi.

Nơi xuất xứ: Châu Âu

Nên mua CB nào của Schneider: Dòng EZ9 (Easy MCB), Dòng EasyPact

Các tủ điện phù hợp (Schneider): Easy9 Box (nhựa), Mini Pragma (nhựa – âm tường), Acti 9 (kim loại)

2. Panasonic

Nối tiếp trên danh sách thì càng không thể thiếu các loại CB Panasonic. Đây là một lựa chọn hàng đầu cho các thợ sửa điện chuyên nghiệp. 

Nơi xuất xứ: Nhật Bản

Nên mua CB nào của Panasonic: Các dòng DIN Type (Din-rail Type) của Panasonic là một trong những thiết bị đạt chuẩn cao nhất cho thiết kế này.

3. Sino

Hãng Sino Electric cũng được rất nhiều công trình nhà máy, khối văn phòng toà nhà ưa chuộng chọn để đầu tư thiết bị CB. Ngoài ra, Sino được xem là phục vụ ở phân khúc bình dân, giá thành cạnh tranh hơn so với các thương hiệu trên.

Nơi xuất xứ: Việt Nam (hợp tác với Sino Electric USA – Mỹ)

Nên mua CB nào của Sino: VANLOCK SafeGuard

Các hư hỏng CB thường gặp – hướng dẫn sửa chữa

Lắp đặt được CB trong nhà thì giải quyết được đến 90% về sự an toàn cho nhà, nhưng, cũng như bất kỳ thiết bị điện tử nào trên thế giới, cầu dao cũng có lúc hoạt động không như ý muốn. Theo kinh nghiệm sửa chữa nhiều năm của các anh em kỹ thuật viên của Antshome, đội ngũ chúng tôi đã đúc kết được một số tình huống hư hỏng nhất sau đây:

1. Đoản mạch

Hiện tượng đoản mạch, hay còn gọi là ngắn mạch (tên tiếng Anh: short circuit) xảy ra khi dòng điện từ dây nóng tiếp xúc bất ngờ với dây trung tính (thông qua lỗ hở mạch làm giảm điện trở) và gây ra chập cháy hư hỏng dây, thiết bị điện.

Đây sẽ là tình huống gây giật điện cần lưu ý nhất vì khi dòng điện không đi theo đường đã định sẵn mà đi tới hướng khác có điện trở thấp hơn như các dây gần đó, miếng ốp sắt, hay tệ nhất, tay chân bạn.

Các hiện tượng xảy ra khi đoản mạch:

  • Cầu dao bị cúp hoặc bị hỏng nặng

Cách sửa chữa: Quan trọng nhất, và đầu tiên, là tắt hết các cầu dao và rút khỏi phích cắm các thiết bị có đấu dây liên quan. Công việc phiền phức nhất sẽ là tìm đúng vị trí xảy ra (công tắc, dây, ổ cắm, thiết bị điện) và sửa hoặc thay thế. Lí do nó phiền phức là vì đối với nhiều nhà phong cách nhiều tầng lầu ở Việt Nam, cần phải kiểm tra rất rất nhiều địa điểm.

2. Nối dây, đi dây điện mạch sai

Một trong những thực trạng xảy ra gần như mỗi ngày, đặc biệt tại thị trường điện nước gia dụng tại Việt Nam, là nhiều thợ điện hoặc người tiêu dùng không đủ kiến thức lắp đặt sai kỹ thuật. Việc này khiến cho đường dây điện dễ gặp vấn đề như làm bóng đèn chập chờn trong nhà hoặc thậm chí là mất nguồn điện đột ngột toàn hệ thống. Đi dây điện sai cho cầu dao cũng rất dễ tạo nên các hiểm nguy giật điện ngoài ý muốn. 

Các ví dụ điển hình:

  • Dây bị lỏng, dư thừa hoặc để ra ngoài mặc dù không nối bất cứ thứ gì trong tủ điện
  • Khi cầu dao bị cúp không bật lại được do sai mạch điện

Cách sửa chữa: Nếu vấn đề có thể thấy được và bạn đủ tự tin về chuyên môn, tự sửa là cách hay nhất. Tuy nhiên, nếu bạn không biết rõ nguồn gốc 100%, nên gọi thợ điện chuyên nghiệp vì họ sẽ dò tìm chính xác hơn thông qua một loạt các công việc kiểm tra kỹ thuật và sửa hết cùng 1 lúc. Điều này cũng giúp bạn né tránh việc “chẩn đoán” sai.

3. Hệ thống điện bị quá tải

Quá tải xảy ra khi nguồn điện bạn đang sử dụng (với tất cả các thiết bị trong nhà hiện có và hoạt động) vượt quá mức tải hệ thống cho phép.

Ví dụ: Tủ điện chỉ có thể dùng tới 100, và bạn dùng nhiều ổ cắm và thiết bị với mức tải 150, 200 thì hệ thống sẽ không xử lý được và ngắt tải ngay lập tức cho an toàn.

Kể cả vậy, nếu quá trình ngắt tải do quá tải xảy ra quá gấp hoặc lượng tải nặng quá mức sẽ rất không hay vì cháy nổ sẽ dễ hình thành.

Một số dấu hiệu của việc quá tải:

  • Tủ điện, cầu dao, hay các ổ cắm xuất nhiệt cực kì nóng
  • Cầu dao liên tục bị cúp

Trong quá trình thi công cho các khách hàng, nhà ở hoặc chung cư được xây dựng từ xưa, cũ kĩ hoặc việc bạn cần phải dùng thêm rất nhiều ổ cắm kéo dài trong nhà là các trường hợp có nguy cơ dễ quá tải cực kì cao

Cách sửa chữa: Thay cầu dao bị hỏng hoặc các linh kiện, dây điện bị hư. Có thể bạn cũng cần phải nâng cấp hệ thống điện mới và lắp thêm ổ cắm trong nhà để chia đều, giảm tải.

4. Cầu dao “phát ra tiếng ồn”

Nếu vì lý do nào đó, một ngày đẹp trời bạn bổng nhiên nghe thấy một tiếng rè, giống kiểu ve kêu nhưng nhỏ hơn, lập tức gọi ngay thợ điện hoặc cẩn thận kiểm tra tủ điện với khoảng cách phù hợp. Thông thường, nếu không may tiếng rè hoặc rút rít này đi kèm với hiện tượng “nóng máy”, bạn cần phải tìm ngay đơn vị hỗ trợ kỹ thuật phù hợp kịp thời.

[Video] Cầu dao phát tiếng, bị rè:

Các câu hỏi thường gặp về CB

Tại sao cần có CB/Aptomat trong nhà?

Câu trả lời là vì thiết bị này giúp ngắt mạch điện để bảo vệ hệ thống điện trong các sự cố đoản mạch, chập điện, quá tải, v.v. Thêm vào đó, nếu bạn cần sửa chữa thiết bị điện gì trong nhà, việc có khả năng tự ngắt CB/Aptomat sẽ hỗ trợ làm việc an toàn hơn, ngăn ngừa giật điện

Mua CB, Aptomat nào tốt?

Việc lựa chọn cầu dao phù hợp còn phụ thuộc vào hệ thống điện nhà bạn (bạn dùng điện 1 pha hay điện 3 pha, tủ điện bạn mua hãng gì, v.v). Antshome khuyên chỉ nên sử dụng CB/Aptomat từ các thương hiệu có tiếng như Panasonic và Schneider để đảm bảo chất lượng và các quyền lợi bảo hành dài lâu

Lời kết

Hy vọng những kiến thức về CB cũng như các thiết bị khác ở trên giúp ích cho bạn đọc. Liên hệ với Antshome khi cần bạn nhé:

Liên hệ đặt lịch sửa chữa

Khách hàng cần sửa chữa điện nước vui lòng liên hệ Antshome. Đội ngũ nhân viên tư vấn của Antshome sẽ tiếp nhận nhanh chóng yêu cầu của quý khách và điều phối thợ sửa chữa điện nước đến để xử lý trực tiếp cho khách hàng.

5/5 - (1 bình chọn)
Photo of author
Tác giả
Duong Lam
Founder, CEO @ Antshome.vn - Dịch Vụ Sửa Điện Nước Chuyên Nghiệp - Top 50 Startup Viet VNExpress 2020 | Chuyên gia kỹ thuật điện nước với kinh nghiệm khởi nghiệp 22+ năm

các bài viết liên quan

Có thể bạn sẽ thích

tiết kiệm hóa đơn điện
14 cách để tiết kiệm hóa đơn tiền điện
Việc điều chỉnh sử dụng năng lượng và tiết kiệm hóa đơn tiền điện không có nghĩa là bạn không sử dụng điện năng. ... [...]
Sự cố điện
7 dấu hiệu nhận biết nhà bạn đang gặp sự cố điện
Biết các dấu hiệu về sự cố điện có thể giúp bạn ngăn ngừa những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Nhiều ... [...]
bao-tri-dien-nuoc
3 lợi ích của việc lập kế hoạch bảo trì điện nước
Lập kế hoạch bảo trì điện nước là một quy trình quan trọng giúp các công ty, trung tâm, tòa nhà,…đảm bảo tài sản ... [...]